THƯ NGỎ CỦA GIA ĐÌNH NHÀ THƠ XUÂN QUỲNH
THƯ NGỎ CỦA GIA ĐÌNH NHÀ THƠ XUÂN QUỲNH
VÀ Ý KIẾN CỦA CÁC NHÀ THƠ, NHÀ VĂN
VỀ CHUYỆN CỐ NHÀ THƠ XUÂN QUỲNH BỊ GẠT KHỎI GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH
Mấy hôm nay, thông tin về việc nhà thơ Xuân Quỳnh không có tên trong danh sách được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh đã gây băn khoăn, bức xúc không nhỏ trong suy nghĩ của nhiều văn nghệ sĩ và dư luận xã hội.
Nhà thơ Xuân Quỳnh
Thư ngỏ của gia đình nhà thơ Xuân Quỳnh:
“Mấy hôm nay, thông tin về việc nhà thơ Xuân Quỳnh không có tên trong danh sách được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh đã gây băn khoăn, bức xúc không nhỏ trong suy nghĩ của nhiều văn nghệ sĩ và dư luận xã hội.Nhiều người đã lên tiếng chính thức trên các phương tiện truyền thông. Một số phóng viên báo chí đã hỏi ý kiến gia đình chúng tôi về việc này.
Về phía gia đình, chúng tôi cũng rất bất ngờ vì quá trình xét Giải thưởng trong gần một năm qua, ở mỗi vòng xét chọn, bỏ phiếu, chúng tôi được biết nhà thơ Xuân Quỳnh đều đạt số phiếu quy định(trên 90%). 10 giờ sáng ngày 30/3/2016, một cán bộ của văn phòng Hội nhà văn Việt Nam, gọi điện cho tôi (Lưu Khánh Thơ, em chồng nhà thơ Xuân Quỳnh và là người trực tiếp kê khai hồ sơ)yêu cầu phải bổ sung ngay Giấy thừa kế hợp pháp, chậm nhất là lúc 1g30 cùng ngày. Mặc dù thời gian rất gấp nhưng chúng tôi cũng đã đáp ứng kịp thời Giấy thừa kế với người đứng tên là anh Lưu Tuấn Anh, con đẻ nhà thơ Xuân Quỳnh. Sau đó khoảng 10 ngày, họ lại thông báo cùng hàng thừa kế với anh Lưu Tuấn Anh còn có anh Lưu Minh Vũ, nên yêu cầu phải có Giấy ủy quyền của anh Vũ. Tuấn Anh và Minh Vũ đã ra công chứng thực hiện thủ tục Ủy quyền theo quy định của pháp luật.
Tháng 4-2016, hồ sơ của nhà thơ Xuân Quỳnh đã vượt qua ba vòng xét duyệt và có tên trong danh sách các hồ sơ đủ điều kiện(chúng tôi nhấn mạnh) mà Bộ VH-TT&DL trình Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2016. Danh sách này cũng được đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử Bộ VH-TT&DL để lấy ý kiến rộng rãi nhân dân trước khi trình Hội đồng cấp nhà nước.
Chiều ngày 16/1/2017, gia đình chúng tôi đã đến gặp nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam để hỏi lý do. Nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết, ông cũng không hiểu vì sao và cũng không được thông báo gì. Ông còn cho chúng tôi biết thêm, ở vòng xét thứ 3, Bộ Trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện là Chủ tịch Hội đồng và ông là một trong số bốn Phó Chủ tịch Hội đồng thì nhà thơ Xuân Quỳnh vẫn đạt số phiếu bầu cao trên 90%.
Nhà thơ Xuân Quỳnh được Bộ VH-TT&DL đề nghị xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật với hai tập thơ là Lời ru trên mặt đất và Bầu trời trong quả trứng(Giải thưởng chính thức về Văn học thiếu nhi của Hội nhà văn Việt Nam năm 1982 – 1983). Người thân của chúng tôi mất đã gần 30 năm, gia đình không tìm được Giấy chứng nhận Giải thưởng, nhưng Hội nhà văn Việt Nam đã có Công văn xác nhận Giải thưởng và trong tập Kỷ yếu Nhà văn Việt Nam hiện đại, phần về nhà thơ Xuân Quỳnh(trang 1240) cũng hiển thị điều này.
Nhà thơ Xuân Quỳnh cũng như những người sáng tạo khác, không kì vọng viết ra để đạt giải này hay giải kia. Bằng tâm huyết và tài năng của mình, họ lặng lẽ góp phần vào thành tựu chung của nền văn học nước nhà. Tác phẩm của nhà thơ Xuân Quỳnh đã được người đọc nhiều thế hệ và đồng nghiệp ghi nhận, đánh giá cao. Vì tất cả những điều trên, chúng tôi mong muốn nhận được sự trả lời chính thức từ các cơ quan có thẩm quyền về lý do nhà thơ Xuân Quỳnh không có tên trong danh sách được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2016, nhằm giải tỏa những băn khoăn bức xúc của gia đình, của giới văn nghệ sĩ và dư luận xã hội.
Lưu Khánh Thơ- Lưu Tuấn Anh - Lưu Minh Vũ”
Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú và nhà thơ Xuân Quỳnh tại sông Thạch Hãn năm 1972
Mấy ngày nay, nhiều người trong giới văn nghệ sĩ, gia đình đã rất bất bình khi nghe tin nhà thơ Xuân Quỳnh, trượt giải thưởng Hồ Chí Minh. Chúng tôi xin trích đăng ý kiến của một số nhà thơ, nhà văn:
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam:
"Xuân Quỳnh - với tất cả sáng tạo từ những năm tháng chiến tranh đến sau hòa bình - đã để lại tài sản không nhỏ về thơ ca, là một trong những nhà thơ nữ xuất sắc của thơ ca hiện đại Việt Nam. Việc chị không được Giải thưởng Hồ Chí Minh là điều rất đáng buồn. Có một số quy chế trong việc việc xét giải thưởng Hồ Chí Minh hiện nay chưa thỏa đáng, như hai quy định bất cập: Thứ nhất những ai chưa được giải thưởng Hội Nhà văn hay giải thưởng tương đương như của Ủy ban Liên hiệp Văn học toàn quốc thì không được nhận Giải thưởng Nhà nước hay Giải thưởng Hồ Chí Minh. Thứ hai, những tác phẩm đăng ký Giải thưởng Nhà nước rồi sẽ không được đăng ký vào hồ sơ xét Giải thưởng Hồ Chí Minh nữa. Và một khi những quy chế này tồn tại, nếu không cẩn thận, giải thưởng sẽ không được trao cho người xứng đáng. Do vậy, quy chế cần đổi thay".
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến:
“Có thể nói, những bài thơ và các tập thơ của nhà thơ Xuân Quỳnh đã bay cao trên bầu trời thi ca chiến tranh những năm 60-70 của thế kỷ trước và những năm hòa bình sau đó như một giọng thơ nữ nổi trội và đặc biệt xuất sắc đã từng làm xúc động trái tim hàng triệu độc giả. Thi ca của chị đã vượt lên mọi giải thưởng và có đóng góp không nhỏ cho nền văn học đất nước trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc cách đây gần bốn chục năm. Chắc chắn tấm ảnh chụp nhà thơ Xuân Quỳnh và nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú bên bờ sông Thạch Hãn năm 1972 khi đón các chiến sĩ vừa chiến đấu ở thành cổ Quảng Trị trở về vẫn mãi mãi làm xúc động nhiều thế hệ sau này. Máu xương những người lính hy sinh ngày ấy còn nhắc nhở chúng ta về một thế hệ đã quên thân vì nền độc lập-tự do của dân tộc và đất nước. Không có lẽ chúng ta hôm nay lại lãng quên những nhà thơ-chiến sĩ đã có mặt ở tuyến lửa những năm tháng đau thương và oanh liệt ấy như nhà thơ Xuân Quỳnh, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú, nhà thơ Thu Bồn và bao nhà văn khác? Lịch sử văn học đất nước này sẽ còn nhắc nhở những tên tuổi ấy!”.
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ:
“Tôi cũng đang muốn hỏi câu hỏi với những người có trách nhiệm là Hội đồng cấp Nhà nước chấm giải, là vì lý do gì mà họ loại nhà thơ Xuân Quỳnh? Họ cần phải trả lời đầy đủ, cụ thể lý do, để mọi người cùng biết. Chuyện họ không minh bạch hay bất đồng quan điểm, tôi không ở Hội đồng cấp Nhà nước nên không thể biết. Cũng nhân chuyện khá chấn động này, chúng ta có quyền đòi hỏi sự minh bạch và những câu trả lời thẳng thắn từ phía Hội đồng cấp Nhà nước. Tôi cũng không biết thành phần trong Hội đồng cơ cấu thế nào. Tôi hy vọng trong số họ không có người nhầm Xuân Quỳnh thành ông Quỳnh nghe quen quen nào đấy, hay chưa một lần biết đến vần thơ, chưa nghe một ca khúc phổ thơ của bà! Hay đơn giản do vô cảm, họ soi chiếu và gạch. Cá nhân tôi thì thấy, giải thưởng Hồ Chí Minh luôn cao quý, bởi giải đó mang tên Bác Hồ, chứ không phải nhà văn khi viết là tính xem sau này được giải này giải khác. Nhất là với thế hệ nhà văn, nhà thơ chống Mỹ, giữa sống và chết, tác phẩm của họ như liều thuốc tinh thần đi cùng triệu triệu người dấn thân bảo vệ Tổ quốc, chả ai biết sau này sẽ được xét giải đâu. Đặc biệt, với nhà thơ Xuân Quỳnh, bà không còn ở chốn thực này gần 30 năm, việc tôn vinh bà là để cho thế hệ của bà, của chúng tôi, và con cháu sau này – tức là dành cho người sống thấy được những ghi nhận xứng đáng với người tài đức. Bà không được Giải thưởng Hồ Chí Minh, nhưng lớp lớp học sinh học và phân tích vẫn yêu thích những vần thơ của bà. Những người yêu thơ vẫn chép tặng nhau thơ tình của bà. Những ca sĩ vẫn da diết "Thuyền và biển"…Với thế hệ chúng tôi, Xuân Quỳnh là một thi sĩ vĩ đại!”.
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý:
“ Nữ thi sĩ Xuân Quỳnh trượt giải thưởng Hồ Chí Minh là một điều đáng tiếc. Bởi ở thế hệ nữ nhà thơ chống Mỹ, nhà thơ Xuân Quỳnh đã có nhiều đóng góp cho nền văn học Việt Nam, đặc biệt giai đoạn chống Mỹ và sau chống Mỹ. Nữ thi sĩ Xuân Quỳnh đã có những tác phẩm để lại mang dấu ấn nhất định trong lòng bạn đọc, ví dụ những vần thơ viết về con, viết về gió Lào, cát nắng, về tình yêu…Vì vậy tôi cảm thấy quá tiếc khi nữ thi sĩ Xuân Quỳnh đã trượt giải thưởng Hồ Chí Minh. Tôi không hiểu tiêu chí của giải thưởng hay lý do vì sao chị ấy lại trượt giải thưởng Hồ Chí Minh. Nữ thi sĩ Xuân Quỳnh hoàn toàn xứng đáng giành thưởng Hồ Chí Minh".
Nhà thơ Phan Hoàng - TPHCM:
"Tôi cảm thấy tiếc khi nghệ sĩ phía Nam không ai đạt giải thưởng nào, kể cả giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước. Trong khi rất nhiều người xứng đáng như: Nhà thơ Thu Bồn, nhà thơ Hoài Vũ, Trần Bạch Đằng, Việt Phương, Vũ Hạnh, nhà thơ - nhà văn Văn Lê. Đặc biệt với nữ thi sĩ Xuân Quỳnh thì càng xứng đáng, và đáng lý ra chị Xuân Quỳnh phải được xét duyệt từ đợt trước chứ không phải để đến đợt này và bị trượt. Còn với nữ thi sĩ Xuân Quỳnh, là nhà thơ tài hoa, người phụ nữ có nhân cách sống ảnh hưởng không nhỏ tới xã hội kể khi chị còn sống cho đến khi chị đã mất. Thơ của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh là góc nhìn về thơ tình yêu, về nỗi đau đáu của người phụ nữ trước thời cuộc…với thông điệp và ý nghĩa trong những bài thơ của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh như vậy, nên vần thơ của chị sẽ sống mãi với thời gian”.
P.V (tổng hợp)
3 ảnh: Nhà thơ Xuân Quỳnh; ảnh nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú và nhà thơ Xuân Quỳnh trên sông Thạch Hãn –Quảng Trị 1972; ảnh vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ- Xuân Quỳnh
Comments
Post a Comment